Bán sỉ điện máy: Đi chậm nhưng chắc

Để đảm bảo doanh thu, các doanh nghiệp bán lẻ điện máy phải liên tục mở thêm cửa hàng. Đó là lý do khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ luôn có mức tăng trưởng lớn hơn nhiều lần so với doanh nghiệp bán sỉ cùng ngành.

Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường GFK cho biết, tiêu thụ sản phẩm công nghệ tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong những năm vừa qua. Cụ thể trong Quý 1/2015, người Việt đã chi tới 36 nghìn tỷ cho các sản phẩm điện máy, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Con số ấn tượng trên cho thấy ngành điện máy vẫn phát triển, nhưng thực tế từ vài năm gần đây không ít doanh nghiệp bán lẻ điện máy đã phải đóng cửa, chuyển đổi mô hình, hoặc chuyển hướng hợp tác đầu tư vì kinh doanh... thua lỗ.

Những tên tuổi đã thất trận trên thương trường như WonderBuy, BestCarings, HomeOne, Topcare… được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần như một minh chứng cho thấy, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam khốc liệt đến thế nào.

Bán buôn vẫn sống khỏe

Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ loay hoay chuyển đổi mô hình lẫn mở rộng địa bàn để tìm đường phát triển, hay chí ít là để tồn tại, thì các doanh nghiệp bán sỉ lại may mắn không bị lâm vào hoàn cảnh như vậy.

Theo ông Đoàn Hồng Việt, chủ tịch Công ty thế giới số DigiWorld, bán lẻ và bán sỉ là hai lĩnh vực kinh doanh khác nhau. “Nhà bán lẻ muốn tăng doanh thu, họ cần phải mở thêm cửa hàng. Trong khi đó, nhà bán sỉ muốn tăng doanh thu thì cần ký kết hợp đồng phân phối với nhà sản xuất mới để đa dạng danh mục sản phẩm.”

Dựa vào sự gia tăng tự nhiên của thị trường là không đủ, một nhà bán lẻ muốn tăng doanh thu thì việc gia tăng số lượng cửa hàng là điều họ chắc chắn phải làm.

Điều này cũng giải thích tại sao các doanh nghiệp bán lẻ điện tử - điện máy như Thế giới di động, FPT Shop hay Trần Anh đều đạt tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp phân phối sỉ cùng ngành.

Các doanh nghiệp bán lẻ điện máy có mức tăng trưởng doanh thu vượt trội so với bán buôn

Còn đối với các doanh nghiệp bán sỉ, vấn đề lớn nhất là ký được hợp đồng phân phối với nhà sản xuất và đảm bảo được đầu ra của sản phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là ngành kinh doanh không mấy hấp dẫn, đồng vốn bỏ ra nhiều mà thu về chẳng được bao nhiêu, tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành chỉ đạt 3%. Tuy nhiên, ông Việt cho biết nếu doanh nghiệp xoay vòng tốt thì lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROE) không hề nhỏ, với Digiworld chỉ số này là hơn 25%.

Hiện tại, ở phân khúc bán buôn điện máy có khá ít doanh nghiệp tham gia và thị phần chỉ tập trung vào một số gương mặt nhất định. Phần lớn thị phần bán sỉ rơi vào túi của 3 “ông lớn”, đó là FPT Trading, Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD) và Digiworld.

Điện thoại di động – Át chủ bài của doanh nghiệp bán sỉ

Đều là các doanh nghiệp phân phối các sản phẩm điện tử - điện máy, nhưng nhìn vào cơ cấu doanh thu thì điện thoại di động (ĐTDĐ) vẫn là mảng đem lại nguồn thu chính cho cả ba "ông lớn" trên. Tỷ trọng của mảng ĐTDĐ đều chiếm trên 50%.

Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển chung, khi Việt Nam trở thành thị trường smartphone có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với mức tăng trưởng hơn 27% trong nửa đầu năm nay. Đã có gần 40 triệu chiếc điện thoại thông minh được bán ra tại Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn thứ ba trong khu vực.

Cùng có điểm chung khi ĐTDĐ là nguồn thu lớn nhất, nhưng FPT Trading, Digiworld và PSD đều có “con át chủ bài” riêng của mình.

Với FPT Trading, đó là dòng sản phẩm iPhone khi chiếm tới 23% doanh thu phân phối ĐTDĐ của công ty. Còn ở PSD là các dòng điện thoại Samsung. Tuy nhiên thị phần phân phối điện thoại Samsung của PSD đã sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Khác với FPT Trading và PSD, Digiworld tập trung vào các dòng điện thoại phân khúc “bình dân” hơn như Wiko, Xiaomi, hay mới đây là Obi (sản phẩm mới của cựu CEO Apple John Sculley)… “Các thương hiệu Digiworld cho ra mắt gần đây đều gặt hái được thành công từ các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao”, ông Việt cho hay.

“Bên cạnh đó, Digiworld vừa trở thành nhà nhập khẩu và bảo hành sản phẩm iPhone chính hãng tại Việt Nam”. Vậy là “miếng bánh ngon” iPhone sẽ phải chia nhỏ thêm cho một cái tên nữa.

Trong khi đó, Việt Nam cũng vừa trở thành thị trường hot nhất của Apple khi nửa đầu 2015, doanh số của hãng này đã tăng gấp 3 lần, trong đó riêng iPhone tăng gấp đôi.

Trở thành nhà nhập khẩu của iPhone sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh mảng di động của DigiWorld. Theo ông Việt, mảng kinh doanh di động được dự báo sẽ chiếm khoảng 65 - 70% doanh thu của công ty trong thời gian tới.

Tính từ 2012, doanh thu của PSD hầu như đi ngang, liệu họ có giữ được vị trí thứ 2 trong năm nay?

Với tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành chỉ khoảng 3%, đây không hẳn là mảng kinh doanh đủ hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp, đi cùng đó là sức ép cạnh tranh cũng không hề nhỏ, dù quy mô rất lớn và dư địa phát triển vẫn còn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với nhà sản xuất cũng sẽ mang lại những rủi ro khó lường trước cho các doanh nghiệp phân phối, đặc biệt là khi sản phẩm của nhà sản xuất không theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng.

Chủ tịch Công ty thế giới số DigiWorld: "Nên làm tốt những gì mình đang làm"

Để gia tăng thị phần và đảm bảo đà tăng trưởng doanh thu, ông có bao giờ nghĩ rằng, Digiworld sẽ phát triển theo hướng đi bằng 2 chân (bán buôn và bán lẻ) hay chưa?

Ông Đoàn Hồng Việt: Hiện tại chúng tôi vẫn tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi của công ty là kinh doanh sỉ và chưa có kế hoạch lấn sân sang mảng bán lẻ. Tôi cho rằng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nên làm tốt những gì mình đang làm chứ không ôm đồm nhiều mảng kinh doanh khác nhau.

Ông có bao giờ tham vọng sẽ đưa Digiworld tiến đến vị trí số 1 trong ngành bán buôn điện máy?

Thật ra vị trí số 1 thì ai cũng mong muốn nhưng điều quan trọng hơn hết mà Digiworld luôn tâm niệm là mang lại những sản phẩm công nghệ phù hợp với nhu cầu người Việt với giá cả hợp lý, hệ thống phân phối và bảo hành chuyên nghiệp. Đó mới là “vị trí” mà tôi và tập thể Digiworld hướng đến.


0.01616 sec| 592.508 kb